27 thg 11, 2012

LẮNG NGHE THẤU CẢM





HƠN CẢ LẮNG NGHE CHỦ ĐỘNG
Lắng nghe thấu cảm là một phương pháp lắng nghe và đặt câu hỏi giúp bạn chiếm được tình cảm của người khác thông qua việc thông cảm và thấu hiểu những gì họ nói.
 Ta có thể hiểu đây là một cấp độ cao hơn của việc lắng nghe chủ động.

TẠI SAO PHẢI NHỜ CẬY PHƯƠNG PHÁP NÀY ?
Sử dụng phương pháp này hiệu quả cùng với sự chân thành sẽ giúp bạn gây được niềm tin với đồng đội cũng như giúp bạn giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề một cách nhẹ nhàng.

SỬ DỤNG NHƯ THẾ NÀO?
Kiên nhẫn lắng nghe từng lời người khác nói ngay cả khi không hẳn bạn đồng ý với họ. Một điều quan trọng là bạn cần thể hiện cho họ thấy được sự đồng thuận của mình bằng một vài câu nói đơn giản như “Tôi hiểu” hoặc “Ra vậy”
Cố gắng nắm bắt được cảm giác của người nói, đồng thời cũng phải để tâm đến nội dung mà họ kể.
Tưởng tượng như bản thân mình là một tấm gương, phản chiếu được cảm xúc và suy nghĩ của người đó.
Trong lúc khuyến khích họ kể tiếp, bạn cũng cần tóm tắt cho họ câu chuyện mà bạn đã tiếp thu. Kiểu như “Anh cảm thấy vai trò của anh trong nhóm không được nổi trội hả?” hay “Có phải anh cho rằng mình đã phí phạm tài năng ở nơi này không?”, hoặc “Bị đánh giá thấp chắc buồn lắm nhỉ?”. Bạn phải nói những điều tương tự như trên một cách thật trung lập để không dẫn họ đến kết luận của chính bạn.
Nhiệm vụ của một người lắng nghe thấu cảm là giữ cho đối tượng thoải mái và không rơi vào trạng thái đề phòng. Để làm được điều này, chúng ta cần tránh hỏi thẳng, tranh luận với họ hoặc tranh cãi về vấn đề. Những điều đó hãy để sau, điều quan trọng trước mắt là tập trung tuyệt đối về câu chuyện và cảm nhận của người kể.
Khi họ đề cập đến một chi tiết đòi hỏi chúng ta đồng cảm, hãy đơn giản lặp lại câu nói của họ như một câu hỏi. Ví dụ, nếu họ bảo rằng :”Tôi không hài lòng với công việc hiện tại”, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn bằng cách đáp lại :”Anh nói anh không hài lòng với công việc hiện tại?”. Chỉ một chút động viên như vậy sẽ cho kết quả thần kỳ, giống như khơi tảng đá để cho dòng chảy được tuôn trào, đối tượng sẽ cảm thấy an tâm để giãi bày cùng bạn.
Cũng cần để ý đến những gì không được nhắc đến. Thông thường những gì người khác giấu cũng quan trọng không kém những gì họ kể.
Nếu người kể muốn bạn đồng cảm nơi với họ, hãy nhớ là phải thật chân thành tận đáy lòng. Tuy vậy, bạn cũng nên hạn chế nói những câu tác động đến suy nghĩ của họ hoặc ngăn chặn bạn trong việc tìm hiểu sâu xa vấn đề.

LỜI KHUYÊN:
Hãy giữ cho cái đầu của bạn thật tỉnh táo và đừng để bị cuốn theo cảm xúc của người kể.
Nằm lòng một điều: Thấu hiểu trước, đánh giá sau.
Cuối cùng, nhớ rằng: bằng cách lấy gây được niềm tin của đối tượng, bạn đã có thể khiến họ bộc lộ tâm can của mình. Qua đó, bạn bảo đảm được kết quả tốt đẹp cho bản thân bạn, cho đồng đội của bạn cũng như cho công ty của bạn cùng những nhân viên tại đó.
Đừng quên “một lần bất tín, vạn lần bất tin”.

VÍ DỤ ĐIỂN HÌNH:
Với cương vị quản lý, John tự hào về việc anh ta luôn sát cánh cùng đồng đội và duy trì chính sách mở cửa cho họ. John cảm thấy bản thân anh ta hiểu khá rõ về từng thành viên và luôn sắp xếp những cuộc đối thoại cá nhân với họ, không chỉ là về công việc mà còn trong cuộc sống.
Gần đây anh nhận thấy tiến độ công việc của Natalie có vẻ tụt hậu so với cả đội. Cô tỏ ra xao nhãng trong lúc họp cũng như không đưa ra được ý kiến nào hữu ích cho kế hoạch.
John hỏi thăm Natalie liệu cô có đang không ổn không. Natalie tỏ ra khá đề phòng, cô nói: “Anh hỏi làm gì? Tôi ổn.”
Vài tuần nữa trôi qua và Natalie vẫn cứ thế, John bắt đầu lo lắng bởi Natalie chính là sức mạnh của cả đội.
John đã phải nhờ cậy tới phương pháp lắng nghe thấu cảm để tìm hiểu nguyên nhân tại sao chất lượng công việc của Natalie lại tụt dốc không phanh như vậy. Và John tìm được câu trả lời, nhưng nó lại không hề liên quan gì tới công việc.
John cho triệu tập Natalie tới văn phòng. Anh chỉ đơn giản hỏi rằng liệu anh có giúp gì được cho cô không. Anh lắng nghe từng lời Natalie nói đồng thời lưu ý tới những gì cô không đề cập. Anh cẩn thận không làm gián đoạn lời kể của cô. Sau đó John mới hiểu được rằng Natalie đang trải qua một giai đoạn khó khăn, vừa có một cuộc hôn nhân đổ vỡ, vừa phải chăm sóc cha mẹ già đau bệnh.
John để ý tới ngôn ngữ cơ thể của Natalie, cô ấy cúi đầu và mắt nhìn xuống. Trông cô ấy hoàn toàn suy sụp.
Sau khi để Natalie trút hết tâm can ra với mình, John tỏ thái độ an ủi và không phán xét. Anh đề nghị gỡ bỏ tạm thời một phần gánh nặng công việc cho Natalie để cô toàn tâm toàn ý giải quyết khó khăn trước khi cô lấy lại được phong độ cũ. Anh cũng nhắc cho cô biết về những ưu đãi mà bộ phận nhân sự có thể dành cho cô như đưa ra lời tư vấn, kế hoạch tài chính… vân vân.
Quan trọng không kém, John giữ bí mật về cuộc nói chuyện này. Anh hứa với Natalie đây là chuyện giữa hai người với nhau, và động viên Natalie cập nhật cho mình tình hình đều đặn. John cho phép cô lưu lại buổi tư vấn mà cô đã lên kế hoạch thông qua bộ phận nhân sự của công ty.
John quan tâm tới nỗi thống khổ của Natalie và lắng nghe cô ấy một cách đầy cảm thông. Kết quả: Natalie chỉ tốn một tháng để lấy lại cân bằng và khi trở lại cô đã làm việc với một thái độ hăng say hơn bao giờ hết, và không cần phải nói, sợi dây gắn bó giữa Natalie với John, với đội và với công ty đã ngày càng bền chặt.

ĐIỂM CỐT LÕIi:
Người lắng nghe thấu cảm đóng vai trò một người hỗ trợ. Mức độ thành công được dựa trên khả năng “đưa thông tin ra ngoài ánh sáng” của bạn.
Lắng nghe cẩn thận, không phán xét, và nhắc lại những câu then chốt đúng lúc để khuyến khích người khác giãi bày tâm sự. Bạn cũng dành sự quan tâm tương tự với những điều không được kể, và những điều đang được kể cộng với cảm xúc và ngôn ngữ co thể của người kể.
Và khi đã gây được lòng tin nơi họ, hãy tôn trọng điều đó.

(sưu tầm)


20 thg 11, 2012

DÁN NHÃN CHO NHỮNG NGUỒN LỰC

NGUỒN LỰC LÀ CÁC KỸ NĂNG: Thái độ,năng khiếu, cảm xúc, kiến thức giúp chúng ta thực hiện những điều mình muốn, trở thành người mình muốn. Đó là khả năng và tiềm năng bên trong con người, dù chúng ta nhận ra nó hay không.
Đa số chúng ta ít nghĩ về sự kết hợp của các phần tử tạo thành bầu không khí ta thở hoặc về trọng lực trái đất giữ ta không bị hút vào khoảng không. Điều này cũng tương tự như nguồn lực cá nhân.

Hãy nghĩ về những nguồn lực mà bạn đang sở hữu. Chẳng hạn bạn có thể xoay sở tổ chức một bữa tiệc ngoài dự tính trong khi nhiều người khác bối rối và nhăng xị lên. Bạn gọi đó là TỰ TIN? THƯ GIẢN? DỄ CHỊU? THÂN THIỆN?

Kể cả khi bạn không đánh giá cao những nguồn lực mình đang có thì cứ đặt tên cho nó. Bạn nghĩ Tự tin là nguồn lực giúp bạn tập trung thì hãy đặt tên cho nó để khẳng định rằng bạn đang sở hữu nguồn lực này. Hoặc bạn không nghĩ việc Có trách nhiệm là nguồn lực thì bạn cứ đặt tên và bỏ nó sang một bên để từ từ làm quen với nó.

Chính các nguồn lực đã và đang giúp bạn có được sự quyết tâm, bình tĩnh, nhạy bén,.. để chinh phục những trở ngại, giải tỏa chán nản và giúp đỡ ai sắp bỏ cuộc giữa chừng. Hãy làm chủ các nguồn lực các bạn nhé!

Bài tập:
1. Nghĩ về một việc bạn có thể thực hiện được một cách dễ dàng.
2. Giả vờ mình là một người khác, chuyển đổi vị trí của bạn để bạn có thể thấy được mình đang làm gì
3. Từ góc nhìn của người này bạn hãy xem xét việc mình đang làm và miêu tả lại nó như thế nào
4. Cho phép người đó tìm và đặt tên cho nguồn lực đã giúp bạn thực hiện công việc một cách dễ dàng đó
5. Trở về vị trí ban đầu và lại là mình. Xem xét cái tên mà nguồn lực kia được gắn vào. Đó có phải là nguồn lực bạn đang có hay không? Khi nào nó hữu ích với bạn?
6. Cứ lặp lại 5 bước trên cho đến khi bạn có 3 hoặc 4 nguồn lực và viết ra thành một danh sách.
7. Hỏi người khác về những nguồn lực mà họ thấy ở bạn. Suy nghĩ xem bạn có đánh giá cao cái nào và viết vào danh sách.
8. Nhìn vào danh sách đó hằng ngày để bạn biết được những nguồn lực mình đang có để có thể đem ra sử dụng bất cứ lúc nào.

14 thg 11, 2012

TÓM LƯỢC VỀ Ý NGHĨA CỦA GIAO TIẾP CHÍNH LÀ SỰ PHẢN HỒI


1. SỰ KẾT NỐI: Thu hút được sự chú ý của người đối diện và tạo ra bầu không khí tin cậy
2. HƯỚNG VỀ NGƯỜI KHÁC: Chú ý đến người khác, vì lợi ích của người khác
3. THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG: Hướng sự chú ý có nhận thức của bạn ra thế giới bên ngoài, đặc biệt với những người mà bạn đang tương tác.
4. QUAN SÁT: Quan sát dữ liệu giác quan và đo lường những gì cố định, những gì thay đổi
Quan sát sự biến đổi và cố dịnh trong dáng vẻ, nét mặt, cơ bắp căng cứng/ thả lỏng, cử chỉ và chuyển động mắt.
Lắng nghe sự thay đổi và cố định trong cường độ, âm lượng và nhịp điệu, tốc độ nói và ngôn ngữ giác quan
5. HỆ THỐNG BIỂU HIỆN: Những bộ lọc giác quan dùng để kiểm soát đầu vào từ bên ngoài và hệt thống giác quan mà con người dùng để miêu tả những trải nghiệm của mình.
Ngôn ngữ giác quan: thị giác, thính giác hoặc cảm giác và những dấu hiệu cho biết người đó suy nghĩ như thế nào
Chuyển động mắt: một chỉ thị khác cho biết các người đó suy nghĩ.
6. ĐỒNG ĐIỆU VỀ HÀNH VI: Sử dụng cùng một giọng điệu, âm lượng hoặc nhịp độ, tư thế hoặc ngôn ngữ giác quan như người đối diện đang dùng (điều này giúp ta tăng sự kết nối)
7. TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT: Quá trình nhận thức tự động khiến con người chú tâm đến những điểm tương đồng với những gì họ đã biết, từng trải nghiệm hoặc nhận ra sự khác nhau.
8. DIỄN ĐẠT LẠI Ý: Tóm tắt lại những điều người kia bày tỏ theo cách nói của bạn, nhưng sử dụng lại những từ/ cụm từ khóa của người kia bằng câu dạo đầu như sau: “Nếu tôi hiểu đúng ý anh/chị thì...”
9. ĐỒNG ĐIỆU VÀ DẪN DẮT: Dùng những kỹ năng tạo sự kết nối để hòa hợp với người kia (đồng điệu) và hướng người đó đến một nhận thức, suy nghĩ hoặc hành vi khác bằng cách thay đổi ngôn ngữ, giọng điệu, dáng vẻ hoặc tư thế của bạn (dẫn dắt)